Đúng nghĩa đen là văn bản viết cất tiếng thành giọng nói luôn :). Thậm chí là còn biết nói dưới nhiều giọng khác nhau. How come? Tất cả những gì chúng ta cần làm là copy-paste một đoạn văn bản xuống một khung trống và phần còn lại để các bạn công nghệ lo 🙂
Trong bài viết này mình giới thiệu và so sánh 3 công cụ phổ biến nhất là Natural Readers, Text To Speech Reader, From Text To Speech. Mình chọn 3 công cụ này vì sau khi thử dùng hơn 10 ứng dụng Text to Speech khác nhau, mình thấy đây là 3 công cụ có giọng đọc tự nhiên rõ ràng nhất đồng thời có nhiều tiện ích đi kèm và quan trọng là miễn phí. Mình loại trừ các ứng dụng có giọng đọc hời hợt, ngang ngang, nghe ra thấy người máy luôn :). Ngoài ra, mình giới thiệu thêm một phiên bản TTS tiếng Việt có tên Vbee Text to Speech vì trong lúc mình ra loạt video hướng dẫn, nhiều bạn “ghen tị” là chỉ có ngoại ngữ mà không có “nội” ngữ :).
Ứng dụng chính của các công cụ trên là chuyển văn bản viết thành lời nói. Hiểu nôm na là phần mềm có thể nhận dạng được mặt chữ đồng thời đọc to lên nội dung toàn văn bản. Văn bản có thể lên tới hàng trăm nghìn từ cỡ một cuốn sách. Công cụ thậm chí còn có thể thu âm lại giọng đọc và cho phép xuất ra file âm thanh MP3. Dưới đây là bảng so sánh 4 công cụ đã được chọn lựa dưới nhiều khía cạnh khác nhau.
Tên ứng dụng | Lượng từ | Giọng đọc | Chia phân đoạn đọc | Xuất file MP3 |
Natural Readers | Vô hạn, có thể tải file lên | Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Ý, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Hà Lan |
Theo nhóm câu | Có (không miễn phí) |
TTS Reader | Vô hạn, có thể tải file lên | Anh, Pháp, Hà Lan, Ý, Indonesia, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Hindi, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, |
Theo từng câu | Có (không miễn phí) |
From Text To Speech | 5000 kí tự | Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Ý, Bồ Đào Nha, Nga | Không có | Có (Miễn phí) |
Vbee – Text To Speech | 1000 kí tự | Tiếng Việt | Không có | Có (Miễn phí) |
Giao diện rất dễ sử dụng, giọng đọc rõ ràng tự nhiên (thậm chí speakers người máy còn biết lên giọng ở cuối cuôi hỏi Có/Không trong tiếng Anh), có nhiều giọng để lựa chọn. Chỉ riêng tiếng Anh Anh và Anh Mĩ đã có 9 lựa chọn cho mỗi giọng. Nếu bạn dùng trực tiếp online và cho mục đích cá nhân, tức chỉ mình mình nghe hoặc nghe trực tiếp cùng một (nhóm) người khác, thì đây là một công cụ miễn phí hoàn hảo. Nhưng nếu bạn cần download file âm thanh xuống và chia sẻ với nhiều người (kể cả không vì mục đích kiếm tiền), bạn sẽ phải trả tiền bản quyền. Tuy nhiên, vẫn có cách để có được file âm thanh nhé các bạn.
Tất cả có trong clip hướng dẫn sử dụng cụ thể dưới đây:
Giao diện rất dễ sử dụng, giọng đọc rõ ràng tự nhiên, ngọt ngào. Tuy nhiên mình có thử với câu hỏi Có/Không thì người máy đọc như câu trần thuật, xuống giọng ở cuối câu. Điểm cộng là có cả tiếng các nước Châu Á. Điểm cộng nữa là có nhiều giọng đọc miễn phí (giọng có dấu hai sao ** ở bên cạnh) mà người dùng có thể dùng để xuất bản file âm thanh. Tuy nhiên, để xuất file MP3 trực tiếp từ giao diện công cụ thì không miễn phí. Phí trả cũng nho nhỏ thôi nếu bạn dùng thường xuyên thì cũng xứng đáng. Nếu không bạn có thể dùng song song với một phần mềm chỉnh sửa âm thanh khác để có được file MP3. Nếu muốn sử dụng rộng rãi file âm thanh đó thì dùng các giọng miễn phí thôi nhé các bạn.
Mời các bạn xem clip hướng dẫn TTS Reader ở video clip sau:
Mình đã dành thời gian làm một video thao tác cách kết hợp TTS và Audacity để tạo ra một câu chuyện xuất ra dưới dạng file MP3. Các bạn xem ở clip sau:
Điểm mạnh áp đảo là người dùng có thể download file MP3 trực tiếp sau khi chọn xong giọng và tốc độ. Tuy nhiên, không có chế độ vừa nghe và kiểm tra nội dung với các câu/cụm câu được highlighted. Nếu vừa nghe vừa nhìn vừa luyện đọc theo người máy không phải là lựa chọn của bạn thì đây là công cụ miễn phí hoàn hảo. Điểm trừ là bạn chỉ chuyển tối đa 5000 kí tự một lần. Cách khắc phục: nếu bạn cần một đoạn đọc dài hơn 5000 kí tự, bạn có thể ghi làm nhiều lần rồi ghép các file lại với nhau.
Mời các bạn xem clip hướng dẫn sử dụng công cụ chi tiết ở clip dưới đây. Mình có so sánh với 2 công cụ trên trong clip này luôn.
Giọng đọc tiếng Việt nhé các bạn! Có giọng Nam, Bắc để lựa chọn. Xuất luôn được file MP3. Phù hợp với ra đề thi dịch, ra đề thi nghe cho các bạn dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, thuyết minh phim, v.v. Tuy nhiên, có một câu có tính chất quảng cáo của “Nhà đài” đầu và cuối mỗi file âm thanh.
Hướng dẫn sử dụng công cụ chi tiết ở video clip này:
Dùng công cụ nào đi chăng nữa chúng ta phải lưu ý Điều kiện bản quyền và Điều khoản sử dụng để sử dụng cho hợp lệ. Những thông tin về bản quyền của mỗi ứng dụng mình cung cấp có hiệu lực vào thời điểm mình làm clips và viết bài này bởi nhà sản xuất/người sáng chế có quyền thay đổi copyrights bất cứ lúc nào. Còn dưới đây là một số gợi ý ứng dụng các công cụ trên vào thực tế.
Gợi ý một số áp dụng
Cho các thầy cô dạy ngoại ngữ (trong phạm vi những ngôn ngữ cung cấp)
– Áp dụng trong ra đề thi Nghe:
+ Sử dụng file âm thanh đã có sẵn trên thị trường ví dụ bài thi nghe của IELTS hoặc của bất kì một textbook nào. Tùy thuộc tính chất của bài nghe là lấy câu hỏi có sẵn hoặc tự soạn câu hỏi mà đưa ra các chỉ dẫn khác nhau. Sau đó dùng các công cụ TTS để thu âm lời chỉ dẫn cho mỗi task, kết nối các tasks lại với nhau thành một đề thi hoàn chỉnh.
+ Nếu muốn sử dụng một bài đọc hiểu có sẵn thành bài nghe hiểu, các thầy cô có thể sử các công cụ TTS để ghi âm lời chỉ dẫn + nội dung toàn bài. Tuy nhiên không nên lạm dụng. Cách này chỉ nên áp dụng khi không còn sự lựa chọn nào khác.
– Nếu có học trò mắc chứng khó đọc (Dyslexia), tức gặp khó khăn trong nhận mặt chữ và vì tiếp thu rất chậm thông qua đọc, các thầy cô có thể sử dụng Natural Readers và TTS Reader giúp học sinh tiếp thu kiến thức thông qua kênh nghe. Nên nhớ một lần upload có thể được cả một cuốn ebook hàng trăm nghìn từ.
Cho các bạn học sinh sinh viên học những môn ngoại ngữ trong phạm vi cung cấp
– Nếu bạn là người học tốt hơn thông qua nghe hơn là nhìn/đọc thì dùng các công cụ này để nghe lại slides, sách, bài báo, website liên quan đến môn học của mình. Đặc biệt bạn có thể tiết kiệm thời gian vừa nghe vừa nấu cơm, gập quần áo, v.v.
– Vừa đọc vừa nghe: kết hợp việc nhận mặt chữ với cách phát âm từ. Nếu bạn chỉ để ý đến việc phát âm ở cấp độ từ thì đây là một công cụ hoàn hảo. Tính năng highlight những cụm từ đang được đọc sẽ giúp bạn theo dõi tốt hơn.
– Nghe kết hợp đọc lại bài essays của chính mình đôi khi giúp các bạn nhận được lỗi chính tả, ngữ pháp rất hiệu quả.
Cho các bậc phụ huynh
– Nếu có con mắc chứng khó đọc, cha mẹ có thể kết hợp với thầy cô dùng Natural Readers và TTS Reader để giúp con làm bài tập về nhà đồng thời bổ sung thêm nhiều kiến thức thông qua kênh nghe.
– Khơi gợi hứng thú học ngoại ngữ của các con bằng cách biến chuyện tranh thành chuyện biết nói, v.v.
Trên đây là một số gợi ý áp dụng các công cụ chuyển văn bản viết thành giọng nói. Còn cách áp dụng khác không? Các thầy cô và các bạn chia sẻ comment bên dưới nhé. Nếu sử dụng thành công các công cụ rồi nhớ vào blog chia vui với mình 🙂
Nếu bạn thích bài viết này, hãy subscribe to blog của mình để được cập nhật kịp thời những bài đăng bổ ích qua email nhé. Cảm ơn các bạn. 🙂
Huynh Nguyen says
Tuyệt vời. Cảm ơn bạn đã chia sẻ danh sách này.
Giang ICT-Edu says
You are welcome. Hi vọng là danh sách này giúp ích cho công việc của bạn.