Sự phát triển nhanh của công nghệ di động (smartphones và tablets) dẫn tới việc nở rộ các ứng dụng giáo dục, đặc biệt là các apps học tiếng cụ thể là tiếng Anh, có thể tải về trên các thiết bị di động. Song song với việc đó là ngày càng nhiều thầy cô lựa chọn kết hợp các apps dạy/học tiếng Anh cùng với chương trình học trên lớp. Tương tự, các bậc phụ huynh cũng lựa chọn các apps này để cùng con tự học tiếng Anh ở nhà. Điều đó dẫn tới nhu cầu cấp thiết của việc đưa ra các tiêu chí đánh giá các ứng dụng này nhằm mục đích để các thầy cô và các bậc phụ huynh có thể tự lựa chọn mobile app phù hợp cho các bạn học sinh + các bé.
Trước tiên, thế nào là một ứng dụng di động? Đó là một phần mềm ứng dụng, thường là phiên bản thu gọn của một công cụ web, thiết kế để “chạy” trên các thiết bị di động như smartphone hoặc tablets. Ứng dụng di động (mobile app) còn có những tên gọi khác như ứng dụng (app), ứng dụng web (web app), ứng dụng trực tuyến (online app), ứng dụng iPhone (iPhone app), hay ứng dụng điện thoại thông minh (smartphone app), nhưng phổ biến nhất vẫn là app (viết tắt của application). Ở trên điện thoại hay máy tính bảng của chúng ta, mỗi một app được biểu thị bằng một nút hình vuông có logo hoặc icon của app hiển thị trên giao diện nút.
Quay trở lại với tiêu chí đánh giá một mobile app nêu ở đoạn mở đầu, bài viết này đưa ra một list 8 tiêu chí lựa chọn dưới đây, được tổng hợp chắt lọc từ những kết quả nghiên cứu thực nghiệm, cố gắng diễn đạt bằng ngôn ngữ “bình dân”, dễ hiểu, và không học thuật :). Người viết loại bỏ một số tiêu chí dựa trên quan điểm cá nhân. Ví dụ, một trong các tiêu chí được đưa ra ở các nghiên cứu thực nghiệm là: Apps không chứa quảng cáo. Trên thực tế, các apps hay mà miễn phí thường chèn quảng cáo. Người dùng muốn dùng một ứng dụng hay mà miễn phí thì nên vui vẻ “chịu đựng” với việc thi thoảng lại có một quảng cáo pop-up hiện lên. Hoặc một số tiêu chí cũng được đưa vào dựa trên một phần kết quả khảo sát được đưa ra bởi người viết tại ĐÂY vào ngày 02/5/2019 (Mong các độc giả là thầy cô giáo tiếp tục trả lời khảo sát để người viết có một bài đăng chất lượng khác phản ánh sát nhu cầu thực tiễn). Chi tiết sẽ được trình bày thêm ở bên dưới.
1. Chỉ rõ nội dung phù hợp với lứa tuổi/trình độ nào
Điều này quan trọng hàng đầu, quyết định có nên chọn sử dụng app hay không, tránh được việc người học học kiến thức kĩ năng dễ hơn hoặc khó hơn so với độ tuổi, trình độ của mình.
2. Có hướng dẫn sử dụng app
Người dùng sẽ đỡ bỡ ngỡ nếu có Help, Guide, hoặc Tutorial đi kèm trong app. Ngắn gọn súc tích và dễ hiểu nhằm giúp người dùng rút ngắn được thời gian tự khám phá, đồng thời hiểu rõ hơn mục tiêu cũng như layout của app. Điều này đặc biệt hữu ích với những app có nhiều tính năng phong phú, luyện nhiều kĩ năng cho nhiều độ tuổi.
3. Cuốn hút – Thân thiện với người dùng
Màu sắc tươi sáng; âm thanh dễ nghe. Điều này đặc biệt quan trọng với những apps nhắm tới trẻ nhỏ, đối tượng có attention span ngắn. Việc kết hợp với công nghệ multimedia (âm thanh, hình ảnh, video) giúp trẻ nhỏ tập trung hơn, hứng thú hơn.
Bố cục gọn gàng, rõ ràng, dễ “lướt” từ phần này sang phần khác hoặc trở về “Home”; font chữ dễ đọc. Apps không thường xuyên bị “sập”, treo. Nếu người dùng nhỡ thoát ra ngoài ý muốn thì kết quả vẫn được lưu lại. Khi vào app trở lại vẫn có thể tiếp tục bài đang làm dở.
4. Chất lượng nội dung
Nội dung của các bài luyện tập là cấu thành chính của app. Các chủ đề và dạng bài tập nên phong phú đa dạng. Thêm vào đó, nội dung không “chuẩn chỉnh” sẽ dẫn đến người học hiểu sai về cách sử dụng ngôn ngữ, kĩ năng đang học. Ví dụ, những lỗi sai về ngữ pháp, phát âm, chính tả, v.v. không nên có trong các apps dạy ngoại ngữ.
5. Có phản hồi
Apps tốt là những apps nói cho người học biết câu trả lời của họ đúng hay sai, và sai ở đâu. Hoặc có những khích lệ khen khi người học làm đúng và động viên làm lại khi người học có câu trả lời sai. Từ đó người học có thể làm lại, ghi nhớ được lỗi sai hoặc có cảm hứng tiếp tục luyện tập.
6. Có tính tương tác cao
Cho phép người học chia sẻ với (những) người học khác hoặc cho phép một nhóm cùng làm việc với nhau. Môi trường tương tác giúp việc học có hứng thú, hiệu quả hơn.
7. Cho phép tùy biến (custom)
Tùy biến nghĩa là người dùng có thể thay đổi một số cài đặt như màu sắc chữ, kích cỡ font chữ, ngôn ngữ, dạng bài tập, v.v. cho phù hợp với tình trạng thể chất, sở thích, nhu cầu cá nhân. Có apps cho phép người học tự tạo các hoạt động để chia sẻ cho người dùng khác.
8. Miễn phí
Tiêu chí này đặc biệt quan trọng với người dùng Việt Nam, thích và quen được dùng miễn phí 🙂 và cũng bởi “đồng lương giáo viên eo hẹp” (trích lời một trong những người tham gia khảo sát nhắc tới ở đầu bài viết). Tiêu chí này cũng được lựa chọn bởi gần 90% các thầy cô tham gia trả lời khảo sát.
Những apps phải trả phí thường hoặc là hiển thị số tiền phải trả cho một lần download (và dùng mãi mãi) hoặc là có dòng chữ In-app purchase ngay dưới chữ GET. In-app purchase có nghĩa bạn download app xuống điện thoại hoặc máy tính bảng không mất phí hoặc bạn dùng một số tính năng cơ bản miễn phí, nhưng để sử dụng một số tính năng, một công cụ nào đó ở trong app hoặc để dỡ bỏ quảng cáo thì bạn phải trả phí. Có app cho phép bạn dùng thử miễn phí một số hoạt động (Free trial) hoặc dùng 1 tháng miễn phí tất cả các hoạt động trước khi trả tiền. Trong trường hợp người dùng đã nhập thông tin thẻ ngân hàng, nếu không ưng ý nhớ hủy đăng kí trước khi hết hạn dùng thử. Nếu không tài khoản của bạn sẽ bị tự động trừ tiền cho tháng tiếp theo.
Kết luận
Trên đây là các tiêu chí lựa chọn các ứng dụng mobile app cho giáo dục nói chung và cho học ngoại ngữ cụ thể là tiếng Anh nói riêng. Các tiêu chí này được tổng hợp dựa trên kết quả khảo sát của người viết, một số nghiên cứu thực nghiệm khác, cũng như quan điểm riêng của người viết. Các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh có thể tham khảo/dựa vào để lựa chọn những ứng dụng phù hợp nhất với học sinh/con em mình. Mong nhận thêm sự chia sẻ của các thầy cô và các bậc phụ huynh để list được hoàn thiện thêm.
Nếu bạn thích bài viết này, hãy subscribe to blog của mình để được cập nhật kịp thời những bài đăng bổ ích qua email nhé. Cảm ơn các bạn. 🙂
NGUỒN THAM KHẢO
Own survey
Evaluation rubric for educational apps
Ways to evaluate educational apps
Examining pre-service teachers’ criteria for evaluating educational mobile apps
REALL rubric for the evaluation of apps in language learning
Thuy says
Can you suggest some popular apps that are widely used by teachers and parents? Many thanks!
Giang ICT-Edu says
Hi Thuy,
That’s exactly the topic of the next post. Hang in there! 🙂
Giang ICT-Edu says
Please see the article on 5 free good English learning mobile apps in this link http://ictedu.home.blog/2019/06/05/5-mobile-apps-hoc-tieng-anh-hay-mien-phi-hoan-toan/
resumeperk.com/blog/10-reasons-why-people-fail-job-interviews says
Interactivity, in my opinion, is the most important because as long as you stay interested and involved in learning language the faster you will get results.