Duolingo là một ứng dụng dạy/học ngoại ngữ nổi tiếng với tiên chỉ: Learn a language for free. Forever. Họ thậm chí còn có một hệ thống bài thi tiếng Anh riêng của mình có tên là DET (Duolingo English Test) với chứng chỉ được công nhận bởi hơn 200 trường Đại học (trên website của Duo không nói rõ là những trường Đại học nào ở đâu). Có lẽ chính vì vậy mà hiện nó có tới hơn 300 triệu người dùng trên thế giới (theo số liệu từ trang chủ ở thời điểm viết bài này). Nhưng có thật Duolingo tốt đến thế? Và nên chăng khuyến khích người dùng Việt Nam sử dụng Duolingo để học tiếng Anh? Dưới đây người viết sẽ đưa ra những nhận xét chân thực nhất dựa trên kinh nghiệm là một giáo viên dạy tiếng Anh, một người đào tạo ICT, cũng như một người thực sự trải nghiệm học tiếng Anh qua Duolingo.
Hãy nói về những thế mạnh của Duolingo trước. Điểm hấp dẫn người dùng là các bài học được thiết kế theo kiểu “học mà chơi, chơi mà học”. Đội ngũ thiết kế app đã tính đến việc người học thích được khuyến khích, được thưởng (mở quà), được tăng level sau mỗi lần hoàn thành bài tập với nhiều câu đúng, giống như trong chơi games. Vì tâm lí “ăn thua” mà người học thường làm đi làm lại để bao giờ đạt/tăng level thì thôi. Điểm cộng thứ hai là một người học có thể chọn học nhiều thứ tiếng trong Duolingo. Tùy thuộc vào độ phổ biến của tiếng mẹ đẻ của bạn (hoặc của ngôn ngữ bạn sử dụng thành thạo) mà bạn có thể chọn được bao nhiêu thứ tiếng muốn học. Ví dụ, người nói tiếng Anh được chọn học nhiều thứ tiếng nhất, khoảng hơn 30 ngôn ngữ gồm Tây Ban Nha, Pháp, Nhật, Hindi, Indonesia, Việt Nam, v.v. Người nói tiếng Việt thì chỉ có một lựa chọn duy nhất là học tiếng Anh.
Người viết không bị “games tính” cuốn hút bởi trong suốt quá trình “nhấm nháp” Duolingo, người viết liên tục “cắn” phải các “hạt sạn” ê hết cả răng, nên không còn tâm trí để đua games nữa :D. Dưới đây là các “hạt sạn” tiêu biểu nhé.
1. Toàn bộ ngôn ngữ trên giao diện học tiếng Anh cho người Việt là bằng tiếng Việt
Người viết đã đăng kí với tư cách là một người nói tiếng Việt muốn học tiếng Anh. Ngay sau khi chọn “Tiếng Việt”, tôi được dẫn tới một giao diện hoàn toàn bằng tiếng Việt (được dịch từ giao diện tiếng Anh), kể cả các chỉ dẫn nói chung hoặc yêu cầu cho mỗi bài tập. Nếu bạn có quan điểm (như tôi) để học tốt một ngoại ngữ bạn cần phải được “tắm” hoàn toàn trong ngoại ngữ đó thì bạn có lẽ đã bị “mất hứng” ngay từ đầu. Chưa bàn đến độ tin cậy của những bản dịch bởi một khi “động” đến ngôn ngữ thì việc dịch rất nhạy cảm, không chỉ đơn thuần là word by word. Sẽ có thêm nhiều ví dụ ở các phần tiếp theo vì hầu hết các bài luyện tập đều yêu cầu người học dịch từ ngôn ngữ mẹ đẻ sang ngôn ngữ đích hoặc ngược lại.
Nếu bạn chưa học tiếng Anh bao giờ, chỉ dẫn tiếng Việt hẳn là tốt hơn cho bạn. Nhưng rất nhiều apps thiết kế cho beginner hoàn toàn bằng tiếng Anh, người học vẫn hiểu yêu cầu của bài thông qua những chỉ dẫn đơn giản (bằng 1, 2 từ) được minh họa bằng tranh hay ví dụ.
2. Rất nhiều nội dung đưa vào luyện tập/kiểm tra không chuẩn ngữ pháp
Như đã nói ở trên, hầu hết nội dung luyện tập hay kiểm tra đều là dịch xuôi hay dịch ngược. Sau đây là một vài ví dụ cụ thể:
Ví dụ 1: I eat.
Tôi bị bối rối bởi thứ nhất trong gần 20 năm dạy tiếng Anh tôi chưa từng gặp một câu tiếng Anh nào dùng trong thực tế chỉ có 2 từ I eat. Thứ nhất, không có tân ngữ (Object): Ăn cái gì? Thứ hai, không có ngữ cảnh nên không biết là tôi đang ăn, đã ăn hay thường ăn cái gì ở đâu khi nào (để dùng thì cho đúng). Sau khi “đánh liều” dùng ngón tay di hai đáp án Tôi và ăn vào dưới I eat., tôi được khen Chính xác và kịp nhận thấy thêm một vấn đề nữa là không có lựa chọn dấu câu (dấu chấm) biểu thị kết câu.
Ví dụ 2: Ăn một quả táo đi!
Ừ thì đương nhiên là chọn Eat an apple! rồi, nhưng không hiểu mục đich của câu hỏi là gì: kiểm tra người học cách phân biệt a, an, the; danh từ đếm được với không đếm được, hay cách dùng câu mệnh lệnh với Please. Ba đáp án không ăn nhập với nhau và không thể hiện được ý đồ kiểm tra/phân biệt ngữ pháp ẩn dưới đó.
Ví dụ 3: I eat and drink.
Sau khi vượt mấy cửa ải trên mình được đến trình cao hơn. Đồng nghĩa với việc dịch “phức tạp” hơn, thêm hẳn hai từ and drink. Đến đây là mình xin ngả mũ với trình dịch word by word của bạn cú xanh Duolingo haha… Mình thử cố tình cho thêm từ nước để thành Tôi ăn và uống nước cho nó đỡ “ngang” và bị phất cờ đỏ luôn các bạn ạ. 🙂 Các vấn đề ở câu này tương tự như ở Ví dụ 1.
Ví dụ 4: Cô gái uống nước.
Cho mình chọn thì mình không chọn đáp án nào cả. Thế nhưng The girl drinks the water. lại là đáp án đúng :(( Sai cơ bản cả về cách sử dụng thì và mạo từ the. Chưa kể Cô gái uống nước nghe giống một cụm từ trong tiếng Việt hơn, kiểu như A/The water drinking girl tùy ngữ cảnh. Ba đáp án cũng chưa thể hiện rõ Duolingo muốn kiểm tra về thì, phân biệt drink với eat hay phân biệt water với the water.
Translation là một trong các cách giải thích nghĩa của một từ rất hiệu quả bên cạnh các cách như giải thích, dùng tranh minh họa, dùng hành động, v.v. Nhưng một khi đã vượt khỏi khuôn khổ câu sang cụm từ, câu, đoạn, v.v., dịch xuôi dịch ngược ở trình độ nào đi chăng nữa, để có bản dịch đúng phụ thuộc rất nhiều yếu tố ngoài ngôn ngữ như ngữ cảnh, văn hóa, v.v. Dịch là công việc khó nhất khi bạn học một ngôn ngữ. Ở khoa Anh, Đại học Hà Nội, sinh viên chỉ học dịch khi đã hoàn thành 4, 5 kì học Thực hành tiếng. Thế nhưng Duolingo lại đưa vào thành dạng bài tập chủ đạo xuyên suốt. Đồng thời không cung cấp ngữ cảnh, không giải thích quy tắc ngữ pháp hoặc không nhấn mạnh focus của bài luyện tập. Dẫn tới người học từ đầu bị hiểu sai về cách sử dụng của ngôn ngữ. Còn người đã hơi hơi biết có thể bị lúng túng, nghi ngờ kiến thức mình đã học; còn người ở trình độ advanced thì lại cảm thấy bực mình. 🙂
3. Chỉ có dạng câu hỏi đóng (close-ended questions)
Câu hỏi đóng mới chỉ giúp người học nhận dạng và ghi nhớ kiến thức. Chưa có cơ hội ứng dụng kiến thức đã học và tạo kĩ năng mới từ những kĩ năng đã học thông qua câu hỏi mở (open-ended questions). Duolingo cho rằng họ đã khắc phục điểm này ở phiên bản dùng trên máy tính. Người viết đã thử trải nghiệm dùng Duo trên máy tính và có thêm hai ví dụ nữa để phục vụ bà con.
Câu hỏi của Duolingo: Viết mục này bằng tiếng Anh. (Người học gõ câu trả lời xuống khung trống trên máy tính).
Duolingo | Câu trả lời của tôi | Đáp án của Duolingo | |
1 | Những con ngựa | Horses | The horses |
2 | Chiếc đầm mà cô ấy muốn thì màu đỏ | The dress she wanted was red. | The dress that she wants is red. |
Ở cả hai lần, đáp án của người viết đều bị Duo cho là sai. :)). Có ai giải thích giùm mình vì sao dịch những con ngựa (ở mức độ từ) lại phải cho mạo từ The vào trước? :)) Với ví dụ 2, chúng ta vẫn thường được bảo rằng một khi ngữ cảnh về thời gian không được cung cấp rõ ràng trong câu thì phương án an toàn nhất là dùng thì quá khứ đơn. Hoặc ít nhất, Duolingo nên đưa câu trả lời của người viết vào là một trong các đáp án đúng. Hoặc giả phải nói rõ đặt câu dùng thì hiện tại đơn nếu như mục tiêu là luyện thì hiện đại đơn.
Phải nói trước là người viết rất “hí hửng” trước khi làm dạng bài tập này vì sẽ không buộc phải chọn những đáp án nửa đúng nửa sai nữa, mà được thỏa sức trả lời theo ý (đúng) của mình. Nhưng cuối cùng chỉ sau hai câu đầu tiên đã gặp luôn cái kết đắng hí hí…
KẾT LUẬN
Mặc cho Duolingo được hàng trăm triệu người dùng trên thế giới yêu thích, mặc cho games tính thú vị, mặc cho miễn phí, đối với phân đoạn luyện tiếng Anh cho người Việt của Duolingo, người viết đành “vội vã đi vào buồn bã đi ra”. Theo quan điểm người viết, để trở thành một app dạy/học tiếng Anh tốt, Duolingo vẫn còn phải làm rất nhiều điều nữa như đa dạng hóa các dạng bài tập, xem xét giảm bớt kiểu bài luyện dịch, chuẩn hóa lại các ví dụ để các ví dụ phản ánh đúng trọng tâm của kiến thức ngữ pháp đang luyện, phản ánh đúng cách sử dụng tiếng Anh thực hành (ví dụ như trong thực tế có ai nói hoặc viết một câu là I eat. hay không), hệ thống lại cách ra câu hỏi trắc nghiệm, đưa ra nhiều đáp án chấp nhận được, v.v.
Không dám luận bàn cao siêu, qua những hạt sạn to to nhặt được ở khía cạnh tiếng Anh, người viết nhận thấy Duolingo phù hợp với học tiếng Anh bồi, gọi là biết đôi ba từ, câu để giao tiếp khi đi du lịch, không quan trọng chuẩn ngữ pháp. Người viết không khuyến khích các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh dùng Duolingo cho con em mình học tiếng Anh chuẩn mực, chính thống.
Rất cảm ơn các thầy cô và các bậc phụ huynh đã đề nghị mình đưa ra một danh sách các apps dạy/học tiếng Anh hay sau khi mình đăng bài Các tiêu chí để chọn một ứng dụng (mobile app) để học ngoại ngữ (tiếng Anh) phù hợp bởi trong hành trình trải nghiệm để có thể đưa ra các apps phù hợp, mình đã học thêm được nhiều điều bất ngờ (không) thú vị, bao gồm cả học thêm về bạn cú xanh Duo funny này 🙂
Mong nhận được nhiều ý kiến bình luận từ độc giả bao gồm cả ý kiến trái chiều. Hoặc có bạn đọc nào đã dùng Duolingo học ngoại ngữ khác có gặp phải tình huống tương tự không?
Nhan says
Ví dụ 3 dịch sai lè còn nói.
Còn The dress that she wants is red thì bỏ that đc ,The dress she wants is red. Đưa về quá khứ là sai .
Những con ngựa horses vẫn đúng nhé
Bài viết ko chất lượng.
Giang ICT-Edu says
Cảm ơn bạn đã có phản hồi. Thời điểm mình làm thì đáp án Horses không được chấp nhận trong khi đáng lí phải được chấp nhận. Mạo từ “the” luôn được dùng kèm ngữ cảnh, tức là từ đi kèm mạo từ the phải nằm trong một câu có tình huống cụ thể. Cho nên Duo cho đáp án The horses là đúng trong khi chỉ dịch một cụm từ là “những con ngựa” là chưa chính xác.
Còn vấn đề về thì (tenses) thì mình xin miễn bàn ở đây. Mình đã nói rõ trong bài viết là vì sao rồi.
Sun Vo says
Tôi nghĩ Duolingo là một phần mềm học tiếng Anh tuyệt vời. Bởi lẽ cấu tạo của bài học phù hợp với mọi trình độ. Sau khi luyện tập một cách thành tâm, nhiệt huyết,….Nó sẽ là kiến thức tiếng Anh nền tảng để chúng ta có thể tự học ỡ những cấp độ cao hơn.
Giang ICT-Edu says
Mình đồng ý với bạn là Duolingo hợp hơn với beginner hoặc những người mất nền tảng, giành thời gian nhâm nhi nhấm nhá chăm chỉ thì có thể giao tiếp ở mức độ đơn giản, không yêu cầu độ chính xác chuẩn chỉnh cao. Nếu lên trình độ cao hơn thì Duolingo cần khắc phục được những nhược điểm nêu trong bài, đồng thời cần hệ thống xuyên suốt hơn.