4D là 4 dimensional, tức là có không gian 4 chiều. Hai ứng dụng Animal 4D+ và Animal Life 4D có tính năng tương tự nhau, biến các bạn động vật bước ra từ những hình ảnh phẳng thành những bạn động vật sống động như thật, có thể đứng dậy, đi lại, vẩy đuôi, chạy nhảy, bay và thậm chí còn phát ra âm thanh (kêu, rống, v.v.). Cả hai ứng dụng đều được sử dụng theo 2 cách: 1. Tìm hiểu thế giới động vật thông qua loạt thẻ 4D animal cards được scan dưới ứng dụng đã được mở ra. Loạt thẻ này có thể dùng trực tiếp online hoặc download về và in ra dùng miễn phí. 2. Sử dụng hình ảnh và thông tin được cung cấp ngay trong ứng dụng để các bé có thể tiếp cận được với thế giới động vật như thể bé đang ở trong vườn thú, một góc rừng nhỏ hoặc một góc thủy cung. Dưới đây là video clip minh họa sinh động cách sử dụng cả hai ứng dụng. Chi tiết được cung cấp thêm ở phần tiếp theo của bài viết.
1. Animal 4D+
App miễn phí nhưng bộ thẻ dùng kèm thì không miễn phí, thường được bán theo một hộp nhỏ gồm hình ảnh các bạn động vật theo thứ tự A-Z. Có cả các thẻ “đạo cụ” như cỏ, hoa, chuối, v,v . Tuy nhiên, hình ảnh các bạn động vật và đồ ăn cũng được cung cấp miễn phí trên mạng. ICT in Education đã giúp các bạn sắp xếp các hình ảnh vào các file pdf (khổ A4) trong link này. Chúng ta chỉ việc in ra rồi cắt thành từng thẻ một nhé.
Bố mẹ hoặc thầy cô có thể “chiếu” cho các bạn nhỏ xem từng thẻ một hoặc kết hợp các thẻ với nhau. Điều đặc biệt là động vật sự vật trên các thẻ có thể “interact” (tương tác) với nhau. Ví dụ, đặt thẻ bạn voi và bạn bò cạnh thẻ khóm cỏ, hai bạn sẽ tiến lại gần bó cỏ cùng nhau ăn cỏ. Đặt hai thẻ bạn hươu và sư tử gần nhau, hai bạn sẽ thân thiện cọ cọ vào người nhau để chào nhau. Tương tự, ong hút mật hoa, khỉ ăn chuối, v.v. Rất hấp dẫn và sinh động. Chúng ta có thể thử rất nhiều thẻ cùng nhau để tạo một khu vườn, góc rừng, bể cá nhỏ sống động cho các bé khám phá nhé.
Nếu bạn chưa kịp in/cắt thẻ thì có thể dùng một thiết bị di dộng khác (máy A), google search dùng từ khóa “Animal 4D+ cards”, tải hình ảnh lên máy A, mở app Animal 4D+ đã tải về trên máy B, đặt hình ảnh đã tải về trên máy A dưới camera đã mở ra của máy B, các bạn động vật sẽ có hiệu ứng hình ảnh âm thanh tương tự như khi dùng thẻ.
Ngoài ra, người lớn có thể giúp các bé tìm hiểu thêm dữ kiện về từng bạn động vật một bằng cách vào kho dữ liệu về các bạn động vật từ A đến Z trên app. Ở đây, bạn có thể bấm chọn một loài vật mà bạn thích; ngay lập tức, các bạn có thể được nghe một bài nói ngắn cung cấp các dữ kiện về con vật đó (nguồn gốc, tập quán, thói quen, phân bố, v.v.). Bé có thể đồng thời vừa học nghe vừa học đọc tiếng Anh vừa có thêm kiến thức khoa học về các bạn động vật. Tốc độ đọc khá nhanh, tương đương với trình độ A2-B1 trở lên.
2. Animal Life 4D
Ứng dụng này dùng một bộ thẻ riêng, có thể được download từ link này: https://okokgames.com/animallife4d/flashcards Một lưu ý nhỏ là: thẻ của app này không dùng được cho app kia và ngược lại.
Cách sử dụng app với thẻ và với một thiết bị di động khác về nguyên lí là giống như ứng dụng Animal 4D+. Khi dùng với thẻ hoặc một hình ảnh trên một thiết bị di động khác, các bạn bấm vào nút 4D. Trong khi “chiếu” hình ảnh động vật, các bạn bấm vào Interactive để các bạn động vật chạy nhảy, bơi, kêu, bắt mồi, v.v. như thể chúng đang tương tác trong môi trường tự nhiên.
Bấm vào nút Information (có hình bạn cá sấu), sẽ xuất hiện bảng dữ liệu ngắn gọn về bạn động vật đang được trình chiếu như chiều cao, cân nặng, tuổi thọ trung bình, tên thường gọi, tên khoa học, v.v. Nếu muốn xem luôn bạn động vật hoạt động trực tuyến, bấm vào All animals rồi chọn con vật bạn muốn tìm hiểu thêm.
3. Năm lí do vì sao nên dùng hai ứng dụng animal 4D này
Lí do 1: Thực tế ảo (Augmented Reality) 4 chiều sống động tạo một hiệu ứng như thật, lôi cuốn tạo hứng thú học và tìm hiểu cho trẻ nhỏ. Bạn bé 6 tuổi rưỡi nhà mình cười khoái chí thành tiếng khi chơi với các bạn 4D. Sau đó tự động cầm thẻ đọc tên từng bạn một. Học say mê và phát âm theo chuẩn luôn.
Lí do 2: Có thể tạo rất nhiều hoạt động học tiếng Anh khác nhau, từ dễ đến khó, sử dụng 2 ứng dụng này. Đơn giản nhất là nhận biết các bạn động vật + nhắc lại cách phát âm từng bạn (dành cho các bạn nhỏ xíu chưa tập nói đến bắt đầu học tiếng Anh – Các bạn chưa tập nói bố mẹ có thể nhắc lại giúp con hoặc để con tự nghe và ngấm). Độ khó cao hơn có thể là tạo một câu chuyện với nhân vật chính là các bạn 4D. Bạn lớn nhà mình (10 tuổi, tiếng Anh trình độ A2-B1) đã vẽ một cái hồ giữa 1 khu rừng nhỏ lên một khổ giấy A3 rồi đặt các thẻ 4D vào các vị trí khác nhau, để các bạn tự hoạt động hoặc tương tác với nhau, rồi kể lại một câu chuyện về tình đoàn kết và yêu thương giữa các bạn động vật nhỏ bằng tiếng Anh.
Lí do 3: Hai ứng dụng thân thiện với người dùng, dễ sử dụng. Đặc biệt là người dùng không cần phải sign up hoặc sign in Các bé có thể tự dùng dưới sự hướng dẫn và giám sát của người lớn. Ví dụ, các bé nên được hướng dẫn cách tắt quảng cáo trong apps hoặc hạn chế thời gian dùng thiết bị di động nhằm bảo vệ sức khỏe mắt.
Lí do 4: Animal 4D+ cho phép người dùng chụp ảnh hoặc quay phim lại các hình ảnh động 4 chiều (Animal Life 4D chỉ cung cấp tính năng chụp hình, không/chưa có tính năng quay video clips). Hình ảnh và clip được lưu lại trên thiết bị di động của người dùng. Điều này gợi ý rằng nếu không có đầy đủ iPad cho tất cả học sinh trong lớp, giáo viên có thể quay lại clip hoặc chụp lại các hình ảnh rồi tự tạo clips dùng các phần mềm ứng dụng chỉnh sửa video clips để trình chiếu cho cả lớp xem, tạo các hoạt động thú vị khác nhau cho các bạn dựa vào clip đó.
Lí do 5: Miễn phí. Ứng dụng vừa tốt vừa miễn phí. Các thẻ 4D dùng kèm, cách này hay cách khác, cũng miễn phí luôn. Người dùng nếu muốn có thể trả phí để dùng thêm một số tính năng hay khác như Interactive quizzes trong ứng dụng.
Các bạn đọc hãy chia sẻ thêm những phát hiện hoặc cách sử dụng thú vị khác của hai ứng dụng Animal 4D+ và Animal Life 4D với mình nhé. Hoặc hãy chia sẻ những ứng dụng tương tự mà các bạn biết. Happy exploring!
Leave a Reply